Bài thơ HỒI VĂN đầu tiên trong lịch sử thơ là bài “TÔ HUỆ CHỨC CẨM HỒI VĂN”.
Tô Huệ: tên người thiếu phụ
Chức: dệt
Cẩm: gấm
Hồi: quay lại
Văn: bài văn thơ
Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn là nàng Tô Huệ dệt bức gấm có bài thơ Thất Ngôn Cổ Phong theo lối HỒI VĂN dâng lên vua Tần để xin cho chồng được giải ngủ trở về gia đình.
Vào đời nhà Tần (trước Tây lịch, cách đây hơn hai ngàn năm) bên Trung Hoa, có nàng Tô Huệ mà chồng là Đậu Thao đi lính thú phương xa. Lâu ngày nhớ chồng, nàng làm một bài thơ, thêu lên bức gấm, dâng lên vua Tần để xin cho chồng về. Bài thơ không viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái như lối thông thường mà bố trí thành 32 ô vuông, đặt tréo. Trong 32 ô vuông có 33 chữ lớn, còn các chữ nhỏ thì thêu ở cạnh các ô vuông.
Vua không đọc được. Quần thần và các bậc thức giả thời bấy giờ cũng không đọc được bức gấm thêu chữ này, không hiểu ý nghĩa của nó ra sao nên phải triệu tác giả của bài thơ là nàng Tô Huệ đến đọc cho vua nghe. Vua nghe thơ hay, thấy lạ, cảm tấm lòng của nàng chinh phụ thương chồng, lại phục tài nữ công của nàng nên tha cho Đậu Thao trở về.
Dưới đây là phần phiên âm từ nguyên bản chữ Hán:
CHỨC CẨM HỒI VĂN
Quân thừa Hoàng chiếu yên biên thứ
Tống quân viễn biệt hà kiều lộ
Hàm bi, yểm lệ, tặng quân ngôn
Mạc vong ân tình tiện trường khứ
Hà kỳ nhất khử âm tín đoạn
Ức thiếp bình vi xuân bất noãn
Quỳnh dao giai hạ bích đài không
San hô trướng lý hồng trần mãn
Thử thời dao biệt mỗi kinh hồn
Tương tâm hà thác cánh phùng quân
Nhất tâm nguyện tác thương hải nguyệt
Nhất tâm nguyện tác lãnh đầu vân
Lãnh vân tuế tuế phùng phu diện
Hải nguyệt niên niên chiếu đắc biên
Phi lai phi khứ đáo quân bàng
Thiên lý vạn lý dao tương kiến
Thiều thiều lộ viễn, quan san cách
Hận quân tái ngoại trường vi khách
Thử thời tương biệt lô diệp hoàng
Thuỳ tín kỷ kinh mai hoa bạch
Bách hoa tán loạn phùng xuân tảo
Xuân ý thôi nhân hướng thuỳ đạo
Thuỳ dương tảo địa vị quân phan
Lạc hoa mãn địa vô nhân tảo
Đình tiên xuân thảo chinh phân phương
Bảo đắc Tần-trang hướng hoạ đường
Vị quân đàn đắc Giang Nam khúc
Phụ ký tình thâm đáo Sóc phương
Sóc phương thiều đệ sơn hạ việt
Vạn lý âm thư Trường đoạn tuyệt
Ngân trang chẩm thượng lệ triêm y
Kim lũ la thường hoa giai liệt
Tam xuân hồng nhạn độ giang thanh
Thử thị ly nhân đoạn trường tình
Tranh huyền vị đoạn, trường tiên đoạn
Oán kết tiên thành, khúc vị thành
Quân kim ức thiếp trọng như san
Thiếp diệc tư quân bất tạm nhàn
Chức tương nhất bản hiến Thiên Tử
Nguyện phóng nhi phu cập tảo hoàn.
Bài này đã được một số danh nho dịch sang tiếng Việt, bản dịch gần sát với nguyên bản và bay bướm cũng với số lượng là 280 chữ, đáng kể là của Hoàng Quang, một danh nho đời Lê thế kỷ 18, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh đời Tự Đức thế kỷ 19.
Bài thơ Thất Ngôn Cổ Phong này gồm tất cả 280 chữ. Đoạn cuối bài thơ là nét chữ lớn, nằm trong 32 ô vuông, mỗi ô một chữ, riêng ô chính giữa có hai chữ: Thiên tử. Tại sao lại có chữ lớn và chữ nhỏ? Có lẽ Tô Huệ muốn gây sự chú ý của Vua Tần vì mấy câu chữ lớn chính là cốt lõi của bài thơ nói lên cái ý tha thiết xin cho chồng về.
Bài thơ đã được chính Tô Huệ là tác giả đọc ra được ghi lại nhưng hướng dẫn để đọc được bài thơ như vậy thì nhiều người nói rất mơ hồ như là đọc từ bên trái, ngang ngoài biên, đọc xuống hàng biên bên phải lại đọc ngược lên, theo lối chữ chi...
Quả thật là rối rắm và khó khăn là không biết rõ, không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào cho nên không ai đọc được ngoài chính tác giả nhưng khi khám phá ra được cách đọc và bắt đầu từ đâu của bức chữ trên gấm mới biết được đó là một bài thơ rất độc đáo.
Đọc được bài thơ thì mới chỉ cảm nhận được cái hay, cái chất thơ, cái nỗi lòng của nàng Tô Huệ đối với chồng, nỗi lòng của một thiếu phụ mòn mõi đợi chồng, bức thông điệp tình yêu và nỗi nhớ nhung mà Tô Huệ gởi cho chồng đang ở ngoài biên trấn.
Trước hết là bản dịch nghĩa của nhà thơ Tô Kiều Ngân chép ra để dễ tham khảo.
Dịch nghĩa:
Chàng vâng chiếu vua đi đồn trú nơi biên cương
Tiễn chàng qua cầu, đường xa thăm thẳm
Ngậm sầu, ngăn lệ, trao chàng mấy lời
Đừng quên tình này dù xa cách
Một ra đi tin tức đành vắng bặt
Phòng không của thiếp xuân về chẳng ấm
Dưới thềm hoa rêu đã phủ xanh
San hô màn trướng đầy bụi bám
Buổi ấy chia tay lòng khiếp hãi nhường bao
Lo làm sao cho gặp lại được chàng
Xin được làm ánh trăng nơi biển xanh
Xin được làm mây lạnh trên đầu núi
Mây lạnh năm năm còn thấy được mặt chàng
Trăng biển năm năm còn soi dấu biên cương (nơi chàng ở)
Bay đi bay lại còn đến được gần chàng
Thăm thẳm đường xa, núi non cách trở
Giận chàng còn mãi làm người khách nơi biên tái
Buổi ấy xa nhau lá hoa lau úa vàng
Ai tin bây giờ hoa mai đã trắng xóa
Hoa nghiêng ngã gặp mùa xuân sớm
Nỗi niềm xuân xui khó nói ra
Thùy dương rụng lá cũng vì chàng
Hoa rơi đầy đất ai người quét
Trước sân cỏ xuân tỏa mùi thơm
Ôm đàn Tần Tranh ra phòng họa
Vì chàng đàn trọn khúc Giang Nam
Gửi gắm tình này về phương Bắc
Phương Bắc sông núi xa xôi thăm thẳm
Vạn dặm tin chàng dứt hẵn rồi
Vật trang sức trên gối, nước mắt em thấm áo
Áo thêu vàng, lụa vẽ hoa cũng từng chịu ủ ê
Ba xuân hồng nhạn kêu qua sông
Cũng giống nỗi đau đứt ruột của một người xa cách
Đàn chưa dứt mà lòng dứt trước
Oán kết rồi, đàn vẫn chưa rồi
Chàng nhớ em tình nặng như núi non
Em cũng nhớ chàng chẳng lúc nào khuây khỏa
Dệt bức gấm này cúi dâng Thiên tử
Xin cho chồng con được sớm trở v
Đây là bản dịch thơ của tiến sĩ Ngô Thế Vinh:
Chàng vâng chiếu ra ngoài biên thứ
Thiếp đưa chàng kiều lộ xa xa
Mấy lời tặng những châu sa
Tình ân ái ấy biết là nhớ không
Sao một phút tin hồng văng vẳng
Chốn chinh vi xuân chẳng ấm nồng
Dưới thềm lỗ chỗ rêu phong
Trong màn ngang dọc bụi hồng sương che
Khi tống biệt hồn kia kinh hãi
Biết làm sao cho gặp lại cùng
Ước gì như nguyệt bể đông
Ước gì như thể mây hồng đầu non
Mây non nọ may còn một thấy
Trăng bể kia soi dậy một phương
Những mong lại được gặp chàng
Dẫu nghìn muôn dặm rõ đường tương thân
Đường thăm thẳm mấy lâu xa cách
Giận chàng còn làm khách ải quan
Ngày đi lư diệp mới vàng
Bây giờ đã mấy mai tàn trắng bông
Mai tán loạn gặp cùng xuân mới
Nỗi xuân riêng khôn nói cho ra
Vì chàng nên lá dương tà
Hoa rơi man mác ai là tảo nhân
Trước sân những cỏ xuân thơm nức
Ôm đàn tranh ra trước hoạ đường
Khúc Giang Nam gẩy vì chàng
Đem tình cho đến sóc phương cõi ngoài
Ngoài phương sóc xa xôi thăm thẳm
Bức âm thư nghìn dặm thấy đâu
Pha phôi áo lệ gối sầu
Dưới thềm hoa lá cùng mầu nở ra
Qua sông ấy tiếng gà xao xác
Nỗi ly nhân trường đoạn khác đâu
Đàn chưa rối ruột đã sầu
Cho nên một khúc cung sau chưa tròn
Chàng nhớ thiếp như non tình nặng
Thiếp nhớ chàng cũng chẳng tạm khuây
Hồi văn một bức thư này
Nhi phu xin sớm kíp ngày khởi qui
Bài dịch của Hoàng Quang thời nhà Lê:
Chàng vâng chiếu ra yên cõi ngoại
Thiếp đưa chàng tới lối cầu sông
Ngậm sầu gạt lệ nhắn lòng
Chớ tham chốn khác mà vong tình này
Trông tin tức tới nay thăm thẳm
Để buồng hương chẳng ấm hơi xuân
Từ ngày đôi ngả cách phân
Màn dần bụi bám, thềm trần rêu phong
Tưởng ly biệt nỗi lòng kinh sợ
Thiếp với chàng bao thuở gặp nhau
Nguyện làm trăng giữa biển sâu
Nguyện làm mây phủ trên đầu non cao
Trăng giữa biển năm nào cũng thấy
Mây đầu non đường mấy cũng thông
Bay qua bay lại bên chồng
Dầu ngàn muôn dặm xa trông như gần
Quan sơn ấy mấy lần trở cách
Hiềm nỗi chàng làm khách rất lâu
Chàng đi mới ố bông lau
Mà nay mấy độ trắng màu hoa mai
Trăm hoa thức xuân tươi hớn hở
Xuân giục người than thở với ai
Dương kia đủ những tơ dài
Hoa kia rã cánh không người quét cho
Sân xuân sớm thơm tho trăm thức
Chốn hoạ đường lựa bậc đàn tranh
Giang Nam năm khúc rành rành
Mượn đầu năm mong gởi tình Sóc phương
Sóc phương ấy đôi đường diệu vợi
Âm thư này nhắn gởi khôn thông
Gối riêng nước mắt tuôn dòng
Xiêm thêu áo vẽ lâu cùng mục tan
Ba xuân tới tiếng nhàn gắng gởi
Xuân giục người bối rối như tơ
Năm dây còn đó sờ sờ
Buồn đà đứt ruột khảy chưa rồi đàn
Chàng thương thiếp tình hơn núi nặng
Thiếp nhớ chàng tình chẳng kém thua
Dệt đem bức gấm dâng vua
Xét lòng dạ thiếp tha cho chồng về
Khi nghiên cứu cấu trúc của bài Chức Cẩm Hồi Văn mới thấy hết cái cách chơi của người xưa quả thực là tuyệt diệu, một lối chơi thật tao nhã có một không hai mà đã trên 2000 năm nay cũng chưa có kẻ hậu sinh nào giải mã dược cái bí quyết, cái bí mật cũng như bức thông diệp này gởi đến cho vua mà khi nhà vua cầm bức gấm lên thì chỉ thấy trước mắt mình chỉ có một chữ THIÊN TỬ nằm ở trung tâm vũ trụ, tất cả các chữ còn lại đều đọc được hết, nhưng toàn thể 280 chữ ấy nói cái gì ? thì Hoàng đế và cả quần thần học sĩ uyên bác cũng chỉ nhìn nó như một lời thách đố, sức mạnh, vũ lực, gươm giáo, quân sĩ và tiền bạc, chức tước đã phải ngậm ngùi trước một câu đố hiểm hóc của một người đàn bà thông minh là nàng Tô Huệ.
Một bản thông điệp có trong tay, mà không ai giãi mã được, trong kết cấu của bài Chức Cẩm Hồi Văn có ẩn chứa một điều bí mật ở những con chữ to nằm trong 32 ô. Nếu là Dụng Hồi Văn thể kiêm Liên Hoàn, với 280 chữ thành 40 câu thơ, mỗi câu 7 chữ thì có thể đọc lên đến 1600 bài thơ và nếu là bình trắc lục vận độc thành thất ngôn, ngũ ngôn hay theo các con chữ 280 mà xếp thì có thể lên đến cả chục triệu bài thơ, một chương trình cho máy vi tính có thể xử lý để in ra mấy chục triệu bài Chức Cẩm Hồi Văn đó.
Trong lịch sử chơi chữ của văn học Việt Nam thì khó có ai qua mặt được vua Thiệu Trị, ông để lại cho đời hai câu đố: Vũ Trung Sơn Thủy (Cảnh Trong Mưa), Phước Viên Văn Hội Lương Dạ Mạn Ngâm (đêm thơ ở Phước Viên). Đó là một trận đồ bát quái có 56 chữ, ứng với một bài Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật được khảm xà cừ. Trên câu đố có ghi lời dặn cách đọc bên cạnh bài thơ. Theo chỉ dẫn của Vua đọc theo hai lối Hồi Văn kiêm Liên Hoàn, theo thể Thất và Ngũ Ngôn sẽ được 64 bài, sau này chúng tôi có làm được bài thơ Trăng Đêm có thể đọc được 96 bài và gần đây có một ông tú ở Quang Trung, Bình Định lại có một bài thất ngôn bát cú đọc được 128 bài.
Đây bài dịch thơ này cũng là một cách chơi, một cách chơi phải được tôn trọng: các chữ và nghĩa gần giống, sát nghĩa nhất và bằng chữ Nôm trong 33 con chữ lớn, đặt biệt là chữ VUA nằm ở vị trí số 273 chữ VỀ nằm ở vị trí 280, xin chép ra để các bạn cùng chơi cho vui trong lúc trà dư tửu hậu:
Chàng lãnh chiếu dẹp yên ngoài cõi
Tiễn đưa người tới lối cầu sông
Ngậm buồn ngăn lệ nhủ cùng
Dù xa cách mấy cũng đừng quên nhau
Từ dạo ấy tin đâu vắng vẻ
Để phòng the lạnh lẽo đêm xuân
Trước thềm rêu phủ xanh dần
Trong màn bụi bám mấy lần nào hay
Buổi chia tay lòng đầy kinh hãi
Biết làm sao gặp lại chàng ơi
Xin làm biển nọ trăng soi
Xin làm mây lạnh trên đoài non xa
Mây lạnh đó năm qua còn thấy
Biễn năm năm trăng trẩy biên cương
Tới lui trăng vẫn bên chàng
Nghìn trùng vạn dặm có nhường thấy chăng
Đường thăm thẳm quan sơn cách trở
Hận vì chàng sao ở quá lâu
Ngày đi vàng cánh hoa lau
Mà chừ trắng xóa cả màu bạch mai
Hoa nghiêng ngã gặp ngày xuân sớm
Nỗi niềm xuân biết ngõ cùng ai
Thùy dương lá rụng chàng ơi
Hoa rơi ngập đất ai người quét đây
Trước sân đầy cỏ xuân thơm ngát
Chốn họa đường ôm chiếc Tần Tranh
Giang Nam dạo khúc vì chàng
Gởi tình em đến Bắc Phương cõi ngoài
Nơi phương Bắc xa xôi vời vợi
Vạn dặm đường tin tới hay không
Gối khăn lệ đẫm từng dòng
Áo vàng lụa vẽ hoa cùng rưng rưng
Ba xuân đến qua sông tiếng nhạn
Khác chi người xa bạn người ơi
Ruột đứt đàn vẫn còn hoài
Đàn chưa trọn khúc đau nay đã thành
Chàng nhớ thiếp nặng tình như núi
Thiếp nhớ chàng khôn nỗi nào khuây
Cúi dâng một bức gấm này
Vua tha chàng sớm được quay trở về
Hồ Đắc Duy
Đây là bài thơ HỒI VĂN đầu tiên, bài thơ HỒI VĂN thủy tổ trong lịch sử thơ của Trung Hoa và Việt Nam.
Đến đời nhà Đường các thi nhân đặt ra LUẬT THƠ gọi là LUẬT THI hay THƠ ĐƯỜNG LUẬT thì cũng theo lối HỒI VĂN của Tô Huệ mà làm thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật HỒI VĂN.
Thơ Hồi Văn là bài thơ mà đọc từ đầu đến cuối rồi đọc quay lại từ cuối trở về đầu.
Có người gọi THƠ HỒI VĂN một cách nhầm lẫn là THƠ THUẬN NGHỊCH, đó là gọi sai.
Mà THƠ THUẬN NGHỊCH là lối thơ mà mỗi câu sau khi đọc xuôi xong rồi đọc ngược lại liền từng câu một.